Thứ Tư, 23 tháng 5, 2007

Tín Dụng Nhỏ là gì ?

Tín Dụng nhỏ là gì ?

Muhammad Yunus
Tháng 1, 2003

---------------------------------------------------------------------------


Từ « microcredit » (tiếng việt là cụm từ « tín dụng nhỏ ») chưa tồn tại giai đoạn trước năm 70s. Đến nay nó đã trở thành thời thượng trong các nhà hoạt động phát triển. Trong tiến trình, từ này đã bị đổ lỗi mang đủ thứ ý nghĩa cho tất cả mọi người. Chẳng ai giật mình nếu một người nào đó sử dụng cụm từ “tín dụng nhỏ” để chỉ cho tín dụng nông nghiệp, hay tín dụng nông thôn, hay hợp tác xã tín dụng, hay tín dụng tiêu dùng, cho vay tín dụng của các tổ chức tiết kiệm tín dụng, hay của các hiệp hội tín dụng, hay từ các chủ nợ tư nhân . Khi một ai đó khiếu nại rằng tín dụng nhỏ đã có hàng ngàn năm lịch sử, hay một trăm năm, thì cũng chẳng ai cho rằng đó là một mẩu tin lịch sử thú vị.

Tôi cho rằng điều này tạo ra rất nhiều sự nhầm lẫn và sai lệch trong thảo luận về tín dụng nhỏ. Chúng ta đã không thật sự biết được ai đang nói về vấn đề gì? Tôi xin đề nghị chúng ta gọi các tên cho các loại tín dụng khác nhau. Qua đó chúng ta có thể làm rõ ngay từ ban đầu cuộc thảo luận của mình loại tín dụng nhỏ nào chúng ta đang bàn luận. Điều này rất quan trọng để đi đến được một kết luận cụ thể, thiết lập đúng các chính sách, thành lập các tổ chức và phương thức thích hợp. Thay vì chỉ nói “tín dụng nhỏ” chung chung, chúng ta nên cụ thể hóa loại hình tín dụng nhỏ.

Tôi xin đề nghị một cách xếp hạng mở rộng cho tín dụng nhỏ:
A) Tín dụng nhỏ phi chính quy truyền thống (chẳng hạn: tín dụng của chủ nợ tư nhân, hiệu cầm đồ, tín dụng từ bạn bè và người thân, tín dụng tieu dùng của thị trường phi chinh quy v.v…)
B) Tín dụng nhỏ dựa trên các nhóm phi chính quy truyền thống (chẳng hạn, nhóm quay vòng vốn và tiết kiệm, nhóm hụi v.v…)
C) Tín dụng nhỏ dựa trên các hoạt động thông qua các ngân hàng chuyên ngành hay ngân hàng cổ truyền (chẳng hạn, tín dụng nông nghiệp, tín dụng chăn nuôi, tín dụng nuôi bắt cá v.v…)
D) Tín dụng nông thôn thông qua các ngân hàng chuyên ngành.
E) Hợp tác xã tín dụng (HTX tín dụng; hiệp hội tín dụng, các tổ chức tiết kiệm tín dụng, ngân hàng tiết kiệm v.v…)
F) Tín dụng tiêu dùng
G) Tín dụng dựa trên sự hợp tác Ngân Hàng – tổ chức phi chính phủ (NGOs)
H) Tín dụng theo mô hình Grameen
I) Các hình thức tín dụng khác của tổ chức phi chính phủ
J) Các hình thức khác về tín dụng không thế chấp -không phải của NGO,

Đây chỉ là một đề xuất cố gắng thử phân loại các mô hình tín dụng nhỏ nhằm gây sự quan tâm chú ý. Điều quan trọng là mỗi khi chúng ta sử dụng từ “tín dụng nhỏ” chúng ta nên làm rõ mô hình (hay thuộc phân nhóm) nào của tín dụng nhỏ đang được đề cập đến. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra sự nhầm lẫn dai dẳng trong các cuộc tranh luận của mình. Cũng cần nhấn mạnh là việc phân loại mà tôi đề xuất chỉ là một thử nghiệm. Chúng ta có thể cải tiến nó để tạo điều kiện cho sự hiểu biết tốt hơn, cũng như việc quyết định các chínhsách đúng đắn hơn. Việc phân loại cũng có thể được thực hiện trong bối cảnh cụ thể của chủ đề thảo luận. Tôi đang biện luận rằng chúng ta cần phải chấm dứt việc sử dụng từ “tín dụng nhỏ” hay “ tài chính nhỏ” mà không đếm xỉa gì đến loại hình đích thực của nó.

Các số liệu thông tin về tín dụng nhỏ được tổng hợp và phát hành bởi nhiều tổ chức khác nhau. Chúng ta thấy rằng điều này rất hữu ích. Tôi đề nghị rằng trong khi phát hành các số liệu này chúng ta nên làm rõ loại hình của tín dụng nhỏ mà mỗi tổ chức cung cấp. Như vậy chúng ta có thể chuẩn bị các tập hợp thông tin quan trọng khác? Số lượng người vay vốn, và thành phần giới tính, số vốn phát ra, vốn lưu hành, cân đối tiết kiệm, v.v…cho mỗi loại hình tín dụng, trong phạm vi quốc gia, vùng và toàn thế giới.

Các tập hợp thông tin này sẽ cho chúng ta biết loại hình tín dụng nhỏ nào đang cung cấp bao nhiêu người nghèo vay vốn, thành phần giới tính của họ, sự phát triển của họ trong thời hạn 1 năm hay một thời kỳ , số vốn vay phát ra, vốn vay lưu hành, tiết kiệm v.v…Những mô hình đang hoạt động hiệu quả tốt hơn cần hỗ trợ thêm để có thể tiếp tục xu hướng của họ. Loại hình không hiệu quả cần được giúp đỡ để cải tiến hoạt động của nó. Điều này rất hữu ích liên quan đến những vấn đề về chínhsách. Đối với mục tiêu nghiên cứu, nó cũng sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng to lớn.

Tôi thúc đẩy Ban Thư Ký cuộc Vận Động Hội Nghị Thượng đỉnh Tín Dụng Nhỏ trình bày các thông tin mà họ đã thu thập được về số lượng người vay, trong đó số lượng người nghèo nhất, số lượng phụ nữ trong số người vay nghèo nhất, số lượng người vay đã thoát khỏi ngưỡng nghèo đói và chia ra theo mỗi loại hình tín dụng nhỏ. Điều này giúp cho các nhà tài trợ lựa chọn những mô hình mà họ muốn hỗ trợ. Việc phân loại này rất quan trọng cho các tổ chức tài trợ cũng như các nhà ra chính sách.

Tín dụng mô hình Grameen
Bất kỳ khi nào tôi sử dụng từ “ tín dụng nhỏ” tôi luôn nghĩ đến loại hình tín dụng theo mô hình Grameen. Tuy nhiên, nếu người đối diện lại hiểu nó tương tự các loại hình tín dụng nhỏ khác , thì những tranh luận của tôi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi xin được liệt kê ở đây một số các đặc điểm khác biệt của tín dụng mô hình Grameen. Đây chưa phải là danh mục thật hoàn thiện. Không phải tất cả các chương trình Grameen đều mang tất cả các đặc điểm này. Một số chương trình mạnh về đặc điểm này, số khác thì lại mạnh về đặc điểm khác. Tuy vậy một cách tổng thể tất cả đều cùng tựu chung về một số đặc điểm cơ bản. Qua đó chúng tự giới thiệu như các chương trình ứng dụng mô hình Grameen hay chương trình theo mô hình Grameen.
Một số đặc điểm chung của mô hình tín dụng Grameen:

a) Khuyến khích tín dụng như một chủ đề của nhân quyền
b) Vai trò nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo tự thoát khỏi nghèo đói. Đối tượng là người nghèo và đặc biệt là phụ nữ nghèo.
c) Một đặc điểm khác biệt nhất của tín dụng Grameen là hoàn toàn không thế chấp, hay bất kỳ một hợp đồng bắt buộc chính thức. Nó được dựa vào “tín chấp”, không phải là các thủ tục và hệ thống chính quy.
d) Hỗ trợ các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập và nhà ở cho người nghèo, không chấp thuận cho vay để tiêu dung.
e) Nó được tạo ra nhằm thách thức các hình thức ngân hàng cổ truyền đã đẩy người nghèo ra ngoài bởi xếp họ vào loại “không khả năng vay trả” . Do đó, nó từ bỏ phương thức cơ bản của ngân hàng cổ truyền và tạo ra phương thức riêng của chính mình .
f) Nó cung cấp dịch vụ tận cửa của người nghèo dựa trên nguyên tắc chủ đạo là người dân không cần tìm đến ngân hàng, mà ngân hàng nên tìm đến người dân.
g) Để nhận được vốn vay, người vay phải tham gia nhóm.
h) Các món vay có thể được cung cấp liên tục. Món vay mới được cung câp một khi người vay hoàn tất việc trả vốn vay trước.
i) Tất cả các món vay được trả góp dần (theo tuần, hay 2 tuần)
j) Một người có thể đồng thời nhận được hơn một món vay.
k) Người vay vốn tham gia chương trình tiết kiệm kể cả tự nguyện và bắt buộc.
l) Nhìn chung, các món vay được cung cấp thông qua các tổ chức phi chính phủ hoặc thông qua các tổ chức của chính những người vay vốn. Nếu nó do các tổ chức có lợi nhuận thực hiện, các cố gắng sẽ nhằm làm cho tỉ lệ lãi suất ở mức thích hợp tạo ra sự bền vững của chương trình chứ không nhằm đem đến lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư. Nguyên tắc nổi bật của tín dụng Grameen là giữ cho tỉ lệ lãi suất gần với lãi suất thị trường, phổ biến rộng rãi trong thành phần ngân hàng thương mại, chú trọng tính bền vững. Bằng việc cố định tỉ lệ lãi, lãi suất thị trường xem như tỉ lệ tham chiếu hơn là tỉ lệ của người vay lãi tư nhân. Đến được với người nghèo là một nhiệm vụ không cần tranh cãi . Tạo ra sự bền vững cũng là một mục tiêu chiến lược. Cần nhanh chóng có được sự bền vững để có thể mở rộng kết quả mà không gặp cản ngại về nguồn vốn.
m) Tín dụng mô hình Grameen đặt ưu tiên cao trong việc xây dựng vốn xã hội. Nó được khuyến khích thông qua hoạt động huấn luyện của nhóm và trung tâm, phát triển chất lượng lãnh đạo thông qua việc bầu chọn lãnh đạo nhóm và trung tâm hàng năm; bầu chọn thành viên của ban quản trị một khi tổ chức do người vay vốn làm chủ. Nhằm hỗ trợ lịch trình hoạt động xã hội do chính người vay vốn tạo ra, tương tự “16 điều quy định” được thực hiện trong tiến trình thảo luận giữa những người vay vốn, và khuyến khích họ tự ra quyết định và thực hiện chúng. Nhấn mạnh các hoạt động huấn luyện tăng năng lực, vốn nhân lực cũng như các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường. Nó hỗ trợ giám sát việc giáo dục trẻ em, cung cấp học bổng và vốn vay sinh viên. Trong việc huấn luyện cho nguồn nhân lực cố gắng đem kỹ thuật vào áp dụng, chẳng hạn điện thoại di động, năng lượng mặt trời và khuyến khích năng lực cơ khí thay thế năng lực tay chân

Mô hình tín dụng Grameen dựa trên sự thống nhất rằng người nghèo có nhiều kỹ năng chưa được sử dụng hoặc chưa sử dụng hết. Rõ rang không phải vì do thiếu kỹ năng nên họ nghèo ! Grameen tin tưởng rằng nghèo đói tạo ra không phải do người nghèo mà do bởi các tổ chức và chính sách đang tồn tại xung quanh họ . Nhằm giảm nghèo điều chúng ta cần làm là tạo ra những thay đổi thích hợp chính trong các tổ chức và chính sách và /hoặc tạo ra những cái mới. Grameen tin rằng từ thiện không phải là câu trả lời cho việc giảm nghèo. Nó chỉ giúp sự tiếp tục nghèo ! Nó tạo sự phụ thuộc và tước mất các sáng kiến cá nhân có thể vượt qua khỏi bức tường nghèo đói. Giải phóng năng lượng và sự sang tạo trong mỗi con người đó chính là câu trả lời cho việc xóa bỏ đói nghèo.

Grameen đem tín dụng cho người nghèo, cho phụ nữ, cho người mù chữ, cho người dân những ai cầu xin rằng họ không biết cách nào đầu tư đồng vốn để có được thu nhập. Grameen đã thiết lập một phương pháp và một tổ chức phục vụ nhu cầu tài chính của người nghèo, và đã tạo ra khả năng tiếp cận tín dụng theo cách thức hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển dựa trên các kỹ năng có sẵn của chính họ có được nguồn thu nhập cao hơn cho mỗi vòng vay.

Nếu các nhà tài trợ có thể đưa ra một khuôn khổ các loại hình về chính sách tín dụng nhỏ họ sẽ có thể vượt qua một số trở ngại. Chính sách chung cho tín dụng nhỏ hiểu theo một nghĩa rộng thường thiếu sự tập trung và không sắc bén.




Thứ Hai, 14 tháng 5, 2007

Diễn văn của Muhammad Yunus tại lễ trao Giải Nobel Hòa Bình

Lời Mở Đầu

Xin giới thiệu đến các anh chị và các bạn có quan tâm bài Diễn Văn đọc tại Lễ trao giải thưởng Nobel của Ông Mohamad Yunus, người sáng lập ra Ngân Hàng Grammen (Bangladesh) và cũng chính là người đã hỗ trợ cả về vật chất và kỹ thuật cho việc thành lập và vận hành quản lý Quỹ Hỗ Trợ người nghèo của thành phố Hồ Chí Minh (CEP).

Việc chia xẻ thông tin này nhằm giúp các anh chị quan tâm và đang thực hiện trong lĩnh vực tín dụng nhỏ nhìn lại nền tảng quan điểm rất cơ bản trong việc hỗ trợ người nghèo được khởi đầu từ những năm 70. Trải qua hơn 30 năm, tín dụng nhỏ trở nên một công cụ hỗ trợ phát triển của người nghèo đã và đang được phát triển rộng rãi vững mạnh trên khắp thế giới.

Nếu như hiện nay hầu hết các chương trình tín dụng nhỏ của chúng ta (tại Việt Nam) mới chỉ giới hạn ở các hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các nhóm phụ nữ nghèo tăng thu nhập. Ở đây chúng ta có thể thấy việc mở rộng đối tượng phục vụ, nhắm đến thế hệ thứ 2 như một giải pháp hữu hiệu chấm dứt cái vòng lẩn quẩn của sự nghèo đói - rất đáng cho chúng ta cùng suy gẫm.

Hơn thế nữa bài diễn văn này còn cung cấp cho chúng ta những tư tưởng mới và sáng kiến hoạt động của ông Mohamad Yunus, một tiến sỹ và giáo sư kinh tế học cho giai đoạn kỹ thuật mới và toàn cầu hóa hiện nay. Đó là việc phát triển kỹ thuật thông tin công nghệ mới (ICT) và Thương Mại Xã Hội (Social Business)dành cho người nghèo và cộng đồng nghèo. Đây là lĩnh vực hoạt động rất mới mẻ nhưng đang dần trở thành một trào lưu rộng rãi và được ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia phát triển. Hy vọng các anh chị và các bạn quan tâm đang góp phần vào công cuộc hỗ trợ người nghèo sẽ dần làm quen với quan điểm mới này và trong một tương lai gần chúng ta có thể cùng nhau thử nghiệm tại Việt Nam.

Các phần chính của diễn văn, có thể click vào mục cần tham khảo dưới đây:

Nghèo khổ đe dọa hòa bình
Nghèo khổ phủ nhận mọi nhân quyền
Ngân hàng Grameen
- Thế hệ thứ hai
- Người ăn xin cũng có thể trở thành doanh nhân
Công nghệ Thông tin và Tin học dành cho người nghèo
Kinh tế Thị trường Tự Do
Thương Mại Xã hội Grameen
Thị trường Chứng Khoán Xã Hội
Vai trò của Thương Mại Xã hội trong giai đoạn toàn cầu hóa
Chúng ta tạo ra cái mình muốn
Chúng ta có thể bỏ nghèo đói vào Viện Bảo Tàng

Diễn Văn đọc tại Lễ trao giải thưởng Nobel

Oslo, Ngày 10/12/ 2006.

Thưa các vị Thượng Khách, các thành viên danh dự của Hội Đồng Giải Thưởng Nobel,các Quý Bà , Quý Ông,

Ngân Hàng Grameen và Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng vô cùng cao quý này. Chúng tôi thành thật vui mừng với niềm vinh hạnh to lớn. Từ khi Giải thưởng được công bố, tôi đã liên tục nhận được tin chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới, nhưng điều làm cho tôi cảm động nhất là những lời chúc mừng qua điện thoại mỗi ngày từ chính những người vay tiền của Ngân Hàng Grameen tại các ngôi làng xa xôi của Bangladesh, họ chỉ muốn bày tỏ niềm tự hào khi nhận được sự trao tặng này.

Chín vị đại diện của 7 triệu thành viên vay tiền-đồng thời cũng là người cho vay tiền đã cùng tôi tham dự lễ trao giải thưởng tại Olso. Tôi xin thay mặt họ bày tỏ lời cảm ơn đến Hội Đồng Giải thưởng Nobel Na-uy đã chọn Ngân hàng Grameen cho giải thưởng Nobel của năm nay. Với việc trao cho tổ chức một giải thưởng vinh dự nhất của thế giới, quý vị đã đem đến cho họ một niềm vinh hạnh không gì so sánh sánh được. Với giải thưởng của quý ngài, chín người phụ nữ tự hào đến từ các làng xã của Bangladesh có mặt trong buổi lễ hôm nay là những thành viên nhận giải, đem lại một ý nghĩa mới cho Giải Thưởng Nobel

Tất cả các thành viên vay tiền của Ngân hàng Grameen cũng đang chào mừng ngày hôm nay như một ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của họ. Họ đang tập trung xung quanh các máy truyền hình gần nhất trong các làng xã khắp đất nước Bangladesh, cùng các thành viên khác trong làng để theo dõi tiến trình lễ trao giải.

Giải thưởng năm nay đã trao niềm vinh dự lớn lao nhất cho hang trăm triệu phụ nữ trên khắp thế giới, những người đang hàng ngày phải chống chọi để sinh sống tồn tại và đem lại niềm hy vọng cho con cái của họ. Đây là thời khắc lịch sử dành cho họ.

Nghèo Khổ đe dọa Hòa Bình
Thưa Quý Bà, quý Ông
Với việc trao giải thưởng này cho chúng tôi, Hội Đồng Giải Thưởng Nobel Na-uy đã đem lại sự ủng hộ quan trọng cho quan điểm rằng hòa bình gắn chặt với sự nghèo khổ. Nghèo khổ đe dọa hòa bình.

Sự phân phối thu nhập của thế giới là điều rất đáng được chú ý. 90% thu nhập thế giới chỉ dành cho 40% dân số; trong khi đó 60% dân số sống chỉ với 6% thu nhập thế giới. Một nửa dân số thế giới chỉ thu nhập 2 đô-la mỗi ngày. Hơn một tỷ người sống chỉ với thu nhập 1 đô-la một ngày. Đây không phải là công thức của hòa bình.

Kỷ nguyên mới đã mở đầu với một ước mơ chung tuyệt vời. Các nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp tại Liên Hiệp Quốc vào năm 2000, cùng nhiều vấn đề khác nhau, họ đã thống nhất một mục tiêu lịch sử là giảm đói nghèo xuống còn một nửa đến năm 2015. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại đã từng có một mục tiêu rõ ràng cùng được cam kết thực hiện trên toàn cầu với chung một tiếng nói, cùng một thời điểm và mức độ đặc biệt. Tuy nhiên sau đó là sự kiện ngày 11 tháng 9 dẫn đến cuộc chiến tranh tại I-rắc, và bất ngờ thế giới đã trượt ra khỏi sự theo đuổi giấc mơ trên, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới đã chuyển từ cuộc chiến chống nghèo đói sang cuộc chiến chống khủng bố. Tính đến nay đã có hơn 530 tỷ đô la được tiêu tốn cho cuộc chiến tranh tại I-rắc chỉ tính riêng đối với Hoa Kỳ.

Tôi tin rằng hoạt động quân sự không thể chiến thắng sự khủng bố. Hoạt động khủng bố cần bị lên án bằng tiếng nói mạnh mẽ nhất. Chúng ta cần có sức mạnh để chống lại nó, và cần tìm mọi phương cách để tiêu diệt chúng. Chúng ta cần tìm cái nguyên nhân gốc rễ của sự khủng bố để triệt tiêu nó mãi mãi. Tôi tin rằng việc tập trung nguồn lực để cải thiện cuộc sống của người nghèo là một chiến lược tốt đẹp hơn việc chi xài cho súng đạn


Nghèo khổ phủ nhận mọi nhân quyền

Hòa bình cần được hiểu theo nghĩa rộng của nhân loại – bao gồm rộng rãi cả về mặt xã hội, kinh tế và chính trị. Hòa bình sẽ bị đe dọa bởi một nền kinh tế không công bằng, một trật tự chính trị và xã hội bất bình đẳng, thiếu dân chủ, môi trường xuống cấp và không có nhân quyền.

Nghèo khổ chính là sự thiếu mọi nhân quyền. Sự tức bực, căm ghét và nổi giận sinh ra từ sự nghèo khổ tuyệt vọng không thể bảo đảm nền hòa bình cho bất kỳ xã hội nào. Để xây dựng nền hòa bình bền vững chúng ta cần tìm ra những phương thức tạo điều kiện để người dân được sống một cuộc sống xứng đáng.

Việc tạo cơ hội cho đa số quần chúng – người nghèo – là cái tâm của công việc mà chúng tôi đã cống hiến suốt 30 năm qua.


Ngân hàng Grameen

Tôi đã tham gia trong lĩnh vực nghèo đói không phải như một nhà chính trị hay một chuyên viên nghiên cứu. Tôi đã tham gia bởi vì nghèo đói tồn tại ở quanh tôi, và tôi không thể ngoảnh mặt quay đi với nó. Đó là vào năm 1974, tôi đã cảm thấy rất khổ sở khi giảng dạy các lý thuyết kinh tế trơn tru trong căn phòng của trường đại học, trong khung cảnh nạn đói thậm tệ xảy ra tại Bangladesh. Tôi bỗng cảm thấy sự sáo rỗng của những kiến thức này khi phải đối phó với nạn đói tràn lan và sự nghèo khổ. Tôi muốn ngay lập tức làm một điều gì đó để giúp người dân xung quanh tôi, dẫu chỉ là một con người, để họ có thể vượt qua được một thời gian ngắn ngủi với một chút dễ dàng hơn. Điều đó làm tôi đối mặt với cuộc đấu tranh của người nghèo nhằm tìm kiếm một khoản tiền ít ỏi hỗ trợ những nỗ lực khó nhọc để kiếm sống. Tôi đã bị choáng váng khi phát hiện ra một người phụ nữ trong làng vay mượn số tiền nhỏ hơn 1 đô –la của chủ nợ với điều kiện là hắn ta sẽ có toàn quyền mua tất cả các sản phẩm do chị làm ra với cái giá do hắn định đoạt. Điều này đối với tôi chính là một hình thức bóc lột nô lệ.

Tôi đã quyết định lập một danh sách các nạn nhân của hoạt động “thương mại” cho vay tiền này trong ngôi làng bên cạnh trường đại học của chúng tôi.

Khi hoàn thành xong bản danh sách, trong đó có 42 nạn nhân, họ đang vay tổng số tiền là 27 đô-la. Tôi đã tặng họ số tiền 27 đô-la từ tiền túi của mình, giúp các nạn nhân này thoát khỏi nanh vuốt của các chủ nợ. Những cảm xúc tạo ra trong người dân từ hoạt động nhỏ này đã thúc đẩy tôi đi xa hơn. Nếu như tôi có thể làm cho nhiều người được hạnh phúc chỉ với số tiền ít ỏi như vậy, vì sao không làm hơn thế nữa?

Đó là những gì tôi đã từng làm và vẫn đang cố gắng thực hiện. Điều trước tiên tôi đã làm là cố gắng thuyết phục các ngân hàng đóng gần trường đại học cho người nghèo vay tiền. Tuy nhiên điều này không thể thực hiện được. Ngân hàng đã trả lời rằng người nghèo không thể tin cậy trong việc vay trả. Sau tất cả những cố gắng trong nhiều tháng , thất bại tôi đã trở thành người bảo lãnh đem món vay cho người nghèo. Tôi đã kinh ngạc bởi kết quả này. Người nghèo hoàn trả các món vay, luôn luôn đúng thời hạn! Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục phải đối phó với những khó khăn trong việc mở rộng chương trình thông qua các ngân hàng hiện hữu. Chính điều này làm tôi quyết định thành lập một ngân hàng độc lập của người nghèo, vào năm 1983, cuối cùng tôi đã thành công trong việc này. Tôi đặt tên cho nó là Ngân hàng Grameen, hay ngân hàng làng xã .

Cho đến nay,ngân hàng Grameen đã cho vay gần 7 triệu người nghèo, 97% trong số họ là phụ nữ, của 73.000 làng xã của Bangladesh. Ngân hàng Grameen giúp các món vay không thế chấp cho các hộ nghèo nhằm tăng thu nhập, nhà ở, hỗ trợ sinh viên và các doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng tạo các khoản tiết kiệm hấp dẫn, các quỹ hưu trí và bảo hiểm cho các thành viên của mình. Từ khi đưa vào thực hiện năm 1984, tín dụng nhà ở đã xây dựng 640.000 căn nhà. Quyền sở hữu các căn nhà này thuộc về người phụ nữ. Chúng tôi tập trung cho người phụ nữ bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng các món vay trao cho người phụ nữ luôn đem lại lợi ích nhiều hơn cho gia đình.

Tính tổng cộng ngân hàng đã cho vay ra khoảng 6 tỷ đô – la. Tỉ lệ hoàn trả vốn là 99%. Ngân hàng Grameen cũng tạo ra lợi nhuận trong tiến trình hoạt động. Về mặt tài chính, nó đã tự lực và không nhận tiền tài trợ từ năm 1995. Các khoản tiền ký gửi và nguồn vốn thực có của ngân hàng hiện nay có tổng vốn bằng 143% các khoản cho vay. Theo cuộc khảo sát nội bộ, 58% những người vay tiền đã vượt khỏi mức nghèo đói.

Ngân hàng Grameen được thành lập ban đầu trong khuôn khổ một dự án nhỏ bé do một vài sinh viên của tôi điều hành, họ là những thanh niên trai gái của địa phương. Ba trong số họ vẫn tiếp tục cùng tôi làm việc tại Ngân hàng, trải qua nhiều năm họ đã trở thành các giám đốc điều hành cao nhất. Họ cũng có mặt trong ngày hôm nay đón nhận vinh dự trao tặng cho chúng tôi.

Sángkiến này được bắt đầu tại Jobra, một làng nhỏ của Bangladesh, và đã được lan rộng trên khắp thế giới. Hiện nay, các chương trình theo mô hình Grameen đã có mặt hầu khắp các quốc gia.


Thế hệ thứ hai

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi chúng tôi bắt đầu. Tôi vẫn quan sát những đứa trẻ con cái của những thành viên vay tiền nhằm xem xét các tác đông ảnh hưởng do công việc của chúng tôi trong cuộc sống của chúng. Những người phụ nữ thành viên vay tiền của chúng tôi luôn dành ưu tiên trước hết cho con cái của họ. Một trong Mười Sáu Điều Quyết Định được cam kết và thực hiện là cho con cái đến trường. Ngân hàng Grameen khuyến khích họ, và trước tiên là tât cả trẻ em được đến trường . Rất nhiều em trong số này đã trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp. Chúng tôi đã chúc mừng và trao các học bổng cho các học sinh giỏi. Hiện nay, mỗi năm Ngân hàng Grameen trao 30.000 học bổng.

Rất nhiều em đã tiếp tục chương trình học cao hơn trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên và các ngành nghề khác. Chúng tôi đã đưa vào các khoản tín dụng dành cho sinh viên giúp các sinh viên của Grameen hoàn thành chương trình cao học. Hiện nay một số em đã đạt được bằng tiến sỹ. Có 13.000 sinh viên nhận được món vay. Mỗi năm, hơn 7.000 sinh viên được thêm tổng số trên.

Chúng tôi đã tạo ra một thế hệ hoàn toàn mới, chúng được trang bị tốt nhằm giúp gia đình mình thoát khỏi đói nghèo. Chúng tôi mong muốn bẻ gãy chuỗi lịch sử của sự nghèo đói..


Người ăn xin cũng có thể trở thành doanh nhân

Ở Bangladesh 80% các hộ nghèo đã với tới các tín dụng nhỏ. Chúng tôi hy vọng đến năm 2010 100% các hộ nghèo đói đều được với tới.

Ba năm trước đây chúng tôi bắt đầu một chương trình ngoại lệ chú trọng đến những người ăn xin. Không có luật lệ nào của Ngân hàng Grameen được áp dụng cho họ. Các khoản vay không lãi suất; họ có thể trả bao nhiêu tùy ý và bất kỳ khi nào họ muốn. Chúng tôi giúp họ ý kiến để thực hiện một hoạt động buôn bán, chẳng hạn bán bánh, bán đồ chơi, hay vật dụng gia đình trong khi họ đi đến xin từng nhà. Ý tưởng đã đi vào thực hiện. Hiện có 85.000 người ăn xin tham gia chương trình. Khoảng 5.000 người trong số họ đã chấm dứt hoàn toàn việc ăn xin. Mức vay thông thường cho một người ăn xin là 12 đô -la .

Chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ mọi biện pháp có thể nhằm giúp người nghèo thoát khỏi nghèo đói. Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm cho rằng tín dụng nhỏ nhằm bổ sung kết hợp với tất cả các biện pháp thực hiện khác, và chống với quan điểm cho rằng tín dụng nhỏ làm cho các biện pháp thực hiện hiệu quả hơn.


Công nghệ Thông Tin và Tin học dành cho người nghèo

Công nghệ Tin học và Thông tin (ICT) đã làm thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, tạo ra một thế giới không còn khoảng cách, biên giới trong việc thông tin cấp thời. Nó ngày càng trở nên rẻ tiền hơn. Tôi đã tìm thấy cơ hội để người nghèo thay đổi cuộc sống của mình nếu công nghệ này có thể đáp ứng nhu cầu của họ.

Như một bước ban đầu đem công nghệ tin học đến với người nghèo chúng tôi đã thành lập một công ty máy điện thoại di động, Điện Thoại Grameen. Chúng tôi hỗ trợ các khoản tín dụng từ ngân hàng Grameen giúp những người phụ nữ nghèo mua các điện thoại di động và làm dịch vụ điện thoại trong làng. Chúng tôi đã thấy được khả năng tiềm tàng cho sự kết hợp tín dụng nhỏ và công nghệ thông tin.

Dịch vụ điện thoại hoạt động rất thành công và rất nhiều người vay tiền của ngân hàng mong muốn được thực hiện. Các “phụ nữ - điện thoại” nhanh chóng học hỏi và cải tiến hoạt động thương mại, nó trở thành một phương thức nhanh chóng giúp thoát khỏi đói nghèo và tạo ra một vị trí xã hội được tôn trọng. Tính đến nay có khoảng 300.000 phụ nữ - điện thoại cung cấp dịch vụ điện thoại trong khắp các làng xã ở Bangladesh. Công ty điện thoại Grameen đã có 10 triệu khách hàng đăng ký thuê bao và là là công ty điện thoại di động lớn nhất của cả nước. Mặc dù số lượng các phụ nữ - điện thoại chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số các khách hàng đăng ký, nhưng họ tạo ra 19% lợi tức cho công ty. Trong tổng số 9 thành viên của nhóm tham dự buổi lễ trao giải hôm nay có 4 người là phụ nữ - điện thoại.

Công ty điện thoại Grameen là công ty hợp tác thuộc quyền sở hữu của Công ty TeleNor của Na-uy và công ty điện thoại Grameen của Bangladesh. Công ty Telenor sở hữu 62% vốn Grameen Telecom sở hữu 38 %. Chiến lược của chúng tôi là làm cho công ty này hoàn toàn trở thành công ty thương mại xã hội bằng cách trao quyền sở hữu chính cho các phụ nữ nghèo của ngân hàng Grameen. Chúng tôi đang thực hiện theo mục tiêu này. Một ngày nào đó, công ty điện thoại Grameen sẽ trở thành một điển hình – công ty thương mại lớn do người nghèo sở hữu.


Kinh Tế thị trường tự do

Các trung tâm tư bản của thị trường tự do. Có một khuyến cáo cho rằng cần có sự tự do hơn cho thị trường, điều tốt hơn cho kết quả của chủ nghĩa tư bản nằm trong việc giải đáp thỏa đáng câu hỏi: làm gì, làm như thế nào và làm cho ai. Cũng có khuyến cáo cho rằng việc tự tìm kiếm làm tăng thêm cho cá nhân đem lại kết quả chung tối ưu.

Tôi ủng hộ việc tăng cường sự tự do của thị trường. Đồng thời, tôi không đồng tình với các quy định ràng buộc các đối tượng tham gia hoạt động trên thị trường. Điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng các doanh nhân đều có cùng một bản chất là chỉ nhằm tới công cuộc thương mại của họ - khuyếch trương lợi nhuận. Quan niệm về chủ nghĩa tư bản này đã làm tách rời các doanh nhân ra khỏi tất cảc các xu hướng về chính trị, xã hội, lý trí tình cảm, môi trường trong cuộc sống của họ. Có lẽ điều này tạo ra một sự đơn giản hóa hợp lý, nhưng lại tước mất những điều thiết yếu trong cuộc sống con người.

Con người được tạo ra một cách tuyệt vời kết hợp trong nó là những nhân cách và khả năng vô tận. Chúng ta cần tạo điều kiện để các nhân cách tích cực đâm chồi nảy nở, không làm cho chúng biến mất đi.

Rất nhiều các vấn đề tồn tại trên thế giới là do các quy định áp đặt cho các đối tượngng tham gia trên thị trường tự do. Thế giới không giải quyết được vấn đề nghèo đói khốn cùng mà một nửa dân số của nó đang phải chịu đựng. Đa số dân số thế giới không thể với tới các dich vụ chăm sóc sức khỏe. Ngay trong các nước giàu và có thị trường tự do nhất cũng thất bại trong việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe cho 1/5 dân số của họ.

Chúng ta đã bị ấn tượng mạnh về sự thành công của thị trường tự do nên chúng ta đã không dám đặt ra những nghi ngờ về quan niệm cơ bản của mình. Một cách tệ hại hơn, chúng ta đã cật lực thay đổi chính bản than mình, cố gắng gần nhất như có thể theo một xu hướng chung của nhân loại đã được quan niệm hóa trong lý thuyết, đảm bảo vận hành các chức năng của hệ thống thị trường tự do.

Bằng việc định nghĩa “ nhà doanh nghiệp” theo cách rộng hơn chúng ta có thể thay đổi một cách triệt để tính chất của chủ nghĩa tư bản, và giải quyết nhiều sự bất cập của các vấn đề kinh tế xã hội trong phạm vi thị trường tự do. Hãy thử đề xuất với một nhà doanh nghiệp thay vì chỉ có một nguồn duy nhất nhằm khuyến khích (chẳng hạn tối đa hóa lợi nhuận); bây giờ có 2 nguồn khuyến khích, chúng loại trừ lẫn nhau nhưng bắt buộc ngang bằng nhau – a) tối đa hóa lợi nhuận và b) đem lại điều thiện cho con người và cho thế giới.

Mỗi hình thức khuyến khích sẽ đem lại một kiểu thương mại khác biệt. Chúng tôi gọi loại thứ nhất là thương mại tối đa hóa lợi nhuận và loại thứ 2 là thương mại xã hội.

Thương mại xã hội (TMXH) sẽ là một loại hình thương mại mới tham gia vào thị trường với mục tiêu làm thay đổi thế giới. Các nhà đầu tư trong TMXH có thu hồi lại vốn đầu tư của mình nhưng sẽ không lấy bất kỳ lãi cổ phần của công ty. Lợi nhận được tái đầu tư cho công ty nhằm mở rộng số lượng và cải thiện chất lượng sản phẩm hay dịch vụ. TMXH sẽ không là công ty thua lỗ (non-loss) nhưng cũng không là công ty chia lãi (non-dividend)

Một khi TMXH được luật pháp công nhận, có rất nhiều công ty hiện hữu sẽ theo xu hướng thành lập TMXH bổ sung vào quỹ hoạt động của công ty. Rất nhiều các nhà hoạt động trong thành phần phi lợi nhậun cũng sẽ tìm thấy đây là một giải pháp hấp dẫn. Không giống như thành phần phi lợi nhuận, họ thường cần phải tìm kiếm sự tài trợ để duy trì các hoạt động, TMXH sẽ tự trang trải và tạo ra thặng dư để mở rộng bởi vì nó là tổ chức không thua lỗ. TMXH sẽ cho ra đời một loại hình mới về thị trường vốn cho chính nó nhằm tạo quỹ vốn

Giới trẻ trên thế giới đặc biệt trong các quốc gia giàu có sẽ tìm thây& quan niệm TMXH trở nên phổ biến. Hiện nay nhiều bạn trẻ cảm thấy bực bội bởi không tìm ra bất kỳ sự thách thức giá trị giúp họ phấn khích trong thế giới tư bản hiện thời. Chủ nghĩa xã hội cho họ một giấc mơ để tranh đấu. Giới trẻ thường ước mơ tạo ra một thế giới hoàn hỏa của chính mình.

Hầu hết các vấn đề kinh tế xã hội của thế giới sẽ được giải quyết bằng TMXH. Sự thách đố là để cải tiến các mô hình thương mại và đem vào áp dụng để chúng tạo ra kết quả xã hội mong muốn mang tính kinh tế và có hiệu quả. Việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, các dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin, giáo dục và huấn luyện dành cho người nghèo, tiếp thị của người nghèo, năng lượng có thể thay thế - đó là tất cả những lĩnh vực hấp dẫn cho TMXH.

TMXH đóng vai trò rất quan trọng bởi nó giải quyết các quan tâm then chốt của nhân loại. Nó có thể tạo ra sự thay đổi của 60% dân số dưới đáy của thế giới và giúp họ thoát khỏi đói nghèo.


Thương Mại Xã Hội Grameen

Thậm chí ngay cả các công ty tối đa hóa lợi nhuận cũng có thể thiết lập TMXH bằng cách trao hoàn toàn hay phần lớn quyền sở hữu cho người nghèo. Đây được xếp vào loại hình thứ 2 của TMXH. Grameen nằm trong loại hình TMXH này.

Người nghèo có thể nhận cổ phần của các công ty này như một món quà tặng của nhà tài trợ hoặc họ có thể mua cổ phần bằng nguồn vốn của chính họ. Những người vay tiền đã mua cổ phần của ngân hàng Grameen chính bằng tiền của họ, nó không thể chuyển giao cho những người không vay vốn. Một nhóm chuyên viên có trách nhiệm điều hành công việc hàng ngày của ngân hàng.

Các nhà tài trợ song phương và đa phương có thể dễ dàng thiết lập loại hình TMXH. Khi một nhà tài trợ chấp nhận một khoản tín dụng hay hỗ trợ để xây dựng một cây cầu tại một quốc gia hưởng thụ., họ có thể thành lập một công ty cầu do người nghèo địa phương sở hữu. Một công ty quản lý có trách nhiệm sẽ được giao việc điều hành công ty. Lợi nhuận của công ty sẽ dành cho người nghèo địa phương như là cổ phần và nhằm xây dựng các cay cầu khác . Rất nhiều các dự án hạ tầng cơ sở như đường xá, xa lộ, sân bay, bến cảng, các công ty dịch vụ có thể được thành lập theo cách này.

Grameen đã thành lập hoạt động TMXH theo loại hình thứ nhất. Một là công ty sữa chua nhằm sản xuất sữa chua chất lượng đem lại dinh dưỡng cho các trẻ suy dinh dưỡng, qua sự hợp tác với công ty Danone. Nó sẽ tiếp tục được mở rộng cho đến khi tất cả các trẻ suy dinh dưỡng của Bangladesh đều có thể tiếp cận tiêu thụ loại sữa chua này. Một hoạt động khác là một loạt các bệnh viện mắt. Mỗi bệnh viện sẽ thực hiện 10000 ca phẫu thuật mắt một năm với giá cả khác biệt giữa người nghèo và người giàu.

Thị Trường Chứng Khoán Xã Hội
Nhằm nối kết các nhà đầu tư với TMXH, chúng ta tạo ra một thị trường chứng khoán xã hội; nơi chỉ có các cổ phiếu TMXH được bán. Một nhà đầu tư sẽ đến để trao đổi cổ phiếu với một ý định rõ rang nhằm tìm kiếm một TMXH, như một hoạt động được yêu thích. Đối với những người khác chỉ muốn kiếm tiền sẽ tìm đến các thị trường chứng khoán hiện hữu.

Nhằm tạo điều kiện việc trao đổi chứng khoán XH hoạt động suông sẻ, chúng ta cần thiết lập các tổ chức xếp hạng, chuẩn hóa các thuật ngữ, định nghĩa, các công cụ đánh giá ảnh hưởng, hình thức khuôn khổ báo cáo, quảng cáo tài chính mới, ví dụ, tờ Tạp chí The Social Wall Street Journal. Các trường thương mại sẽ dành các khóa huấn luyện và các bằng cấp chứng chỉ cho TMXH nhằm đào tạo các nhà quản lý trẻ cách điều hành quản lý các công ty TMXH một cách hiệu quả nhất, và , trên hết nhằm thúc đẩy họ trở thành các doanh nhân TMXH.


Vai trò của Thương Mại Xã Hội trong giai đoạn Toàn Cầu Hóa

Tôi ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa và tin tưởng rằng nó sẽ đem lại lợi ích hơn cho người nghèo. Tuy nhiên cần phải là sự toàn cầu hóa đúng đắn. Đối với tôi, toàn cầu hóa giống như hàng trăm các làn xe trên các xa lộ cao tốc trên toàn thế giới. Nếu đó là đường cao tốc tự do cho tất cả các loại xe, lập tức tất cả các làn xe sẽ tràn ngập các xe trọng tải khổng lồ của các nền kinh tế hùng mạnh. Các xe kéo của Bangladesh sẽ bị hất ra khỏi các xa lộ. Để có được sự toàn cầu hóa công bằng, chúng ta cần phải có luật giao thông, cảnh sát giao thông và quyền hành giao thông trên các xa lộ toàn cầu này. Luật “ ai mạnh nấy được” cần phải được thay thế bằng các luật lệ đảm bảo người nghèo nhất cũng có chỗ có nơi để hoạt động, mà không bị hất ra bên ngoài bởi những kẻ mạnh. Toàn cầu hóa không nên trở thành chủ nghĩa thống tri tài chính.

Thương mại xã hội đa quốc gia hung mạnh có thể được hình thành nhằm tạo ra lợi tức toàn cầu giúp người nghèo và các nước nghèo. TMXH sẽ đem lại cả quyền sở hữu cho người nghèo cũng như giữ được lợi nhuận cho các quốc gia nghèo bởi mục tiêu của họ không nhằm tìm kiếm lãi cổ đông. Việc đầu tư trực tiếp của nước ngoài do các tổ chức TMXH quốc te-1 sẽ là điều đáng mừng cho các quốc gia thụ hưởng. Xây dựng nền kinh tế vững mạnh tái các nước nghèothông qua việc bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ chống lại các công ty bóc lột cũng sẽ là một lĩnh vực trọng yếu của TMXH.


Chúng ta tạo ra cái mình muốn
Chúng ta nhận được điều mà chúng ta muốn, hoặc điều mà chúng ta không từ chối. Chúng ta chấp nhận sự thật là người nghèo luôn tồn tại xung quanh mình và sự nghèo đói là một phần của định mệnh nhân loại. Điều này để chứng minh rằng vì sao người nghèo luôn hiện diện quanh chúng ta. Nếu chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn rằng sự nghèo đói là không thể chấp nhận được và nó không thể tồn tại trong một xã hội văn minh, chúng ta cần xây dựng một thể chế và những chính sách thích hợp để tạo ra một thế giới không còn đói nghèo.

Chúng ta đã từng mong muốn được lên tới mặt trăng và chúng ta đã đến được nơi đó. Chúng ta đã thành công với những gì mình muốn đạt. Nếu còn những điều chúng ta chưa làm được là bởi vì chúng ta chưa đặt tâm trí để tạo ra cái mình muốn. Điều chúng ta muốn làm và làm thế nào đạt được nó tùy thuộc cách suy nghĩ của chúng ta. Rất khó để thay đổi tư tưởng một khi chúng đã hình thành. Chúng ta đã tạo ra cái thế giới theo cái tư tưởng của mình. Chúng ta cần phát minh ra những cách để thay đổi liên tục cách nhìn nhận vấn đề và nhanh chóng tái lập tư tưởng của mình một cách nhanh chóng thích ứng với sự xuất hiện của các hiểu biết mới.


Chúng ta có thể bỏ nghèo đói vào các Viện Bào Tàng

Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới không có nghèo đói bởi vì nghèo đói không phải do người nghèo tạo ra. Nó được tạo ra và tồn tại chính bởi cái hệ thống kinh tế xã hội do chúng ta thiết lập cho mình; cái thể chế và tư tưởng sinh ra hệ thống đó; các chính sách mà chúng ta theo đuổi.

Nghèo đói được sinh ra bởi chính cái khung lí thuyết dựa trên các giả thuyết phủ nhận khả năng của con người., bằng sự thiết lập các quan điểm hạn hẹp (chẳng hạn quan điểm về thương mại; về đánh giá tín dụng, về mối quan hệ kinh doanh; về việc làm) hoặc do các tổ chức phát triển được tạo ra một cách dang dở (chẳng hạn, các tổ chức tài chính, là chỗ đẩy người nghèo ra bên lề) . Nghèo đói được tạo ra chính bởi sự thất bại ở trình độ hiểu biết hơn là bất kỳ sự thiếu thốn về khả năng của con người.

Tôi tin chắc rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới không có đói nghèo nếu chúng ta cùng nhau tin tưởng vào nó. Trong thế giới không có đói nghèo nơi chỉ còn một chỗ duy nhất người ta còn tìm thấy sự nghèo đói – đó là các Viện Bảo Tàng. Khi các học sinh tham quan nhà bảo tàng nghèo đói chúng sẽ sợ hãi khi nhìn thấy sự khốn cùng và sự sỉ nhục mà con người đã trải qua. Chúng sẽ có thể lên án thế hệ đi trước đã chấp nhận tình trạng phi nhân loại tồn tại trong một thời gian dài và cho một số đông người đến như vậy.

Con người sinh ra trong một thế giới được trang bị đầy đủ không chỉ dành để chăm sóc riêng cho chính họ mà còn góp phần làm giàu thêm cho toàn thế giới. Một số nào đó có may mắn khai thác được tiềm năng của nó ở một mức độ nhất định, trong khi số đông những người khác chưa từng có cơ hội trong suốt cuộc đời của họ để khám phá món quà mà họ được trao tặng từ lúc sinh ra. Họ chết đi mà chưa được khám phá và thế giới vẫn khao khát sự sang tạo và những đóng góp của họ.

Grameen đã trao cho tôi một lòng tin vững chắc về sự sáng tạo của con người. Điều này đã làm cho tôi tin rằng con người sinh ra không phải để chịu đựng sự khốn cùng của đói nghèo.

Theo tôi, người nghèo giống như những cây kiểng (bonsai). Khi bạn gieo trồng trong một cái chậu kiểng với những hạt giống tốt nhất của một cây cao nhất, bạn sẽ có được một bản sao của cái cây cao nhất đó, với chiều cao khoảng vài cen-ti-met. Thật ra, cái hạt giống mà bạn đã ươm chẳng có lỗi gì, chỉ bởi tại cái miếng đất quá chật hẹp không thích hợp. Người nghèo bị xem giống như cây kiểng. Hạt giống của họ không có lỗi lầm gì. Chỉ đơn giản là xã hội đã chưa bao giờ cho họ những điều kiện cơ bản để họ phát triển vươn lên. Đối với chúng tôi, tất cả những điều mà người nghèo cần để thoát khỏi đói nghèo chính là tạo điều kiện và một môi trường thích hợp. Một khi người nghèo có thể giải phóng năng lượng và sức sáng tạo của mình, nghèo đói sẽ biến mất một cách nhanh chóng.

Hãy cùng chúng tôi giúp cho mỗi con người một cơ hội để giải thoát năng lượng và sức sáng tạo của mình.

Thưa Quý Bà, Quý Ông,

Cho phép tôi kết thúc bằng sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Hội Đồng Giải Nobel đã nhận thức được rằng người nghèo và đặc biệt những phụ nữ nghèo, họ có cả tiềm năng và quyền được hưởng một cuộc sống xứng đáng và tín dụng nhỏ đã giúp họ giải phóng tiềm năng đó.

Tôi tin rằng niềm vinh dự mà quý vị trao cho chúng tôi sẽ thôi thúc nhiều hơn các sáng kiến quan trọng trên toàn thế giới nhằm đưa đến một giai đoạn lịch sử kết thúc đói nghèo trên toàn cầu.

Xin chân thành cảm ơn.

The Official Web Site of the Nobel Foundation

Copyright © Nobel Web AB 2006


Giới thiệu về tôi

Tốt nghiệp ĐHKT TP.HCM 1987,làm việc tại Sở Nhà Đất và tham gia các chương trình cải thiện nhà ổ chuột dựa vào cộng đồng. 1994-1997,Master về Quản lý Vùng tại Cornell,USA.